Bộ Y tế vừa có Công văn 3385/BYT-KH-TC đề nghị BHXH Việt Nam thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh BHYT theo giá dịch vụ y tế; trong đó, có thống nhất cách tính số ngày điều trị nội trú.
Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 11/5/2019 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2019, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế theo đúng quy định của Luật giá, Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này và hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Trường hợp áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ thì thanh toán theo số lượng dịch vụ và mức giá do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quy định
Số lượng dịch vụ theo số lượng cơ sở y tế đã cung cấp cho người có thẻ BHYT: trên cơ sở số liệu cơ sở y tế đã tổng hợp đề nghị cơ quan BHXH thanh toán và được Cơ quan BHXH giám định theo quy định (bao gồm cả các chi phí đang tạm chưa thanh toán hoặc đã giảm quyết toán do rà soát và đối chiếu với định mức tính giá dịch vụ), trong đó lưu ý việc tính số ngày điều trị nội trú được xác định như sau:
Từ ngày 01/3/2016 đến 14/7/2018: Số ngày điều trị nội trú được tính theo công thức: Số ngày điều trị nội trú = (Ngày ra viện - ngày vào viện) + 1.
Trong đó, nếu vào viện từ đêm hôm trước và ra viện vào sáng hôm sau trong khoảng từ 04 - 08 giờ đồng hồ thì chỉ được tính 01 ngày; Nếu chuyển khoa trong cùng một bệnh viện và cùng một ngày thì mỗi khoa chỉ được tính là 1/2 ngày.
Từ 15/7/2018 trở đi: Nếu người bệnh đỡ hoặc khỏi bệnh ra viện thì số ngày điều trị nội trú được tính bằng công thức: Số ngày điều trị nội trú = Ngày ra viện - ngày vào viện.
Quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo
Nếu người bệnh nặng điều trị nội trú mà bệnh không giảm hoặc diễn biến nặng hơn và gia đình xin chuyển viện lên tuyến trên; người bệnh được điều trị tuyến trên qua giai đoạn cấp cứu và được điều trị nội trú ở tuyến dưới hoặc cơ sở khác thì số ngày điều trị nội trú được tính theo công thức: Số ngày điều trị nội trú = (Ngày ra viện - ngày vào viện) + 1
Trong đó, nếu vào viện và ra viện cùng một ngày, thời gian điều trị trên 04 giờ thì được tính là 01 ngày điều trị. Nếu chuyển 02 khoa trong cùng một ngày thì mỗi khoa chỉ được tính bằng 1/2 ngày…
Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, chi phí về thuốc, vật tư y tế, máu và chế phẩm máu chưa tính trong giá dịch vụ thì thanh toán theo thực tế sử dụng và giá mua theo đấu thầu của cơ sở y tế; phạm vi, mức hưởng thực hiện theo quy định.
Cũng theo công văn của Bộ Y tế, mức giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch sô 37/2015/TTLT-BYT-BTC và Thông tư số 15/2018/TT-BYTtrong thời gian các Thông tư này có hiệu lực thi hành, trong đó thời điểm áp dụng mức giá có tiền lương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC được xác định như sau:
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương từ ngày 1/3/2016;
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn lại thực hiện theo công văn thông báo của Bộ Y tế về thời điểm áp dụng giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương đối với các tỉnh, thành phố. Trường hợp tại thời điểm thông báo nhưng đơn vị chưa hoàn thành việc cập nhật mức giá dịch vụ vào phần mềm thanh toán chi phí KCB thì thời điểm thực hiện mức giá có tiền lương tính từ khi Cơ quan BHXH và các cơ sở y tế đã thống nhất.
Công văn của Bộ Y tế cũng nêu rõ trong thời gian Bộ Y tế chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ trong khám bệnh, chữa bệnh; việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực theo quy định của Luật BHYT, Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn