BẢN TIN AN TOÀN NGƯỜI BỆNH
(Lần 2 - Năm 2022)
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA, CẢNH BÁO
ĐỂ GIẢM THIỂU SỰ CỐ, NGUY CƠ CHO NGƯỜI BỆNH
KHI PHẪU THUẬT.
Căn cứ Quyết định 7482/QĐ - BYT ngày 18 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật”. Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam ranh đã triển khai và thực hiện một số giải pháp phòng ngừa, cảnh báo để giảm thiểu sự cố, nguy cơ gây tổn thương cho người bệnh trong phẫu thuật, thủ thuật, bao gồm: phòng ngừa nguy cơ cháy nổ; nguy cơ người bệnh té ngã; đảm bảo đúng bệnh nhân, đúng vị trí phẫu thuật; chuẩn bị tốt các tình huống không kiểm soát đường thở khó; chủ động ngăn ngừa các tai biến gây mê, nguy cơ mất máu, bỏ sót gạc, dụng cụ trong phẫu thuật; thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn tại phòng mổ để phòng tránh nhiễm trùng vết mổ; đề phòng phản ứng dị ứng và phản ứng có hại của thuốc; nhận diện chính xác và an toàn mẫu bệnh phẩm… cụ thể như sau:
1. Giảm nguy cơ cháy nổ trong phẫu thuật:
- Xây dựng quy trình phòng chống cháy nổ. Thực hiện nghiêm túc chuỗi mệnh lệnh trong tình trạng khẩn cấp.
- Nhân viên được tập huấn và tự rèn luyện cách sử dụng bình chữa cháy, cách ngăn chặn và biết cách dập tắt khi cháy nổ.
- Nhân viên phải biết và nhớ rõ vị trí để bình chữa cháy, đèn báo động, cửa thoát hiểm, hệ thống oxy và lộ trình sơ tán khả thi tại khoa phòng.
- Khoa phòng thường xuyên nhắc nhở và thông tin cho nhân viên về an toàn cháy nổ khi thực thi nhiệm vụ.
- Các thiết bị mổ bằng điện phải được bảo trì và kiểm tra thường xuyên.
- Gắn chặt các dây cáp điện trước khi hoạt hóa nguồn và để ở vị trí chờ khi tháo các dây cáp.
- Làm ẩm gạc để giảm bắt lửa, đặc biệt trong phẫu thuật vùng hầu họng.
- Xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên:
+ Đối với Phẫu thuật viên và người phụ mổ phải kiểm tra nguồn nhiệt, thiết bị đốt điện, dao mổ laser, các tia cao áp tĩnh điện trước khi phẫu thuật.
+ Điều dưỡng nên hạn chế sử dụng các chất dễ cháy như cồn, thuốc mỡ…
+ Đối với gây mê phải giảm thiểu tạo ra oxy, nitrousoxide và các loại khí hơi khác bằng cách sử dụng kỹ thuật tạo nút chắn, sử dụng oxy liều lượng thấp.
2. Phòng ngừa nguy cơ bệnh nhân té ngã:
- Gường, xe đẩy bệnh nhân phải có thanh chắn hai bên.
- Điều chỉnh bàn mổ nghiêng trái, phải, cao, thấp để đảm bảo yêu cầu phẫu thuật phải có giá đỡ và gối kê.
- Đối với bệnh nhân chưa thoát mê phải có dây cố định tay chân cẩn thận.
3. Đảm bảo đúng bệnh nhân, đúng vị trí phẫu thuật:
- Trước khi bệnh nhân vào phòng mổ phải chắc chắn rằng bệnh nhân đã được nhận diện đúng tên, tuổi … giao tiếp bằng lời nói với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân và đối chiếu lại tên tuổi trên hồ sơ bệnh án theo quy trình nhận dạng người bệnh, chống nhầm lẫn người bệnh.
- Kiểm tra chắc chắn rằng bệnh nhân và thân nhân đã ký cam đoan đồng ý phẫu thuật với vị trí, phương pháp phẫu thuật, vô cảm đã được giải thích trước.
- Phẫu thuật viên đánh dấu vị trí mổ đối với vị trí mổ đối xứng.
- Trước khi rạch da, tất cả kíp phẫu thuật phải dừng lại kiểm tra lần cuối về danh tính, chẩn đoán, vị trí và phương pháp phẫu thuật.
4. Phòng ngừa các tai biến liên quan đến gây mê:
- Người gây mê có mặt liên tục và có trách nhiệm trong suốt cuộc mổ.
- Chuẩn bị và kiểm tra đầy đủ các trang thiết bị dụng cụ, thuốc men trước khi gây tê hoặc gây mê.
- Theo dõi bệnh nhân liên tục bằng Monitoring có cài đặt âm báo động với âm lượng đủ cho mọi người nghe được.
- Khi sử dụng máy gây mê kèm thở phải cài đặt chế độ báo động để phòng ngừa khi có rò rỉ khí hay tuộc ống nội khí quản…
- Độ mê được theo dõi đánh giá liên tục trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Gắn điện tim trên người bệnh để theo dõi liên tục tần số tim và các đường biểu diễn song để phát hiện sự cố, bất thường.
- Đo và theo dõi liên tục nồng độ CO2 cuối thì thở ra để chắc chắn ống nội khí quản đã đúng vị trí và bệnh nhân được thông khí đầy đủ.
- Theo dõi các chỉ số sinh tồn trên máy Monitoring ít nhất 05 phút/lần.
5. Nhận biết và chuẩn bị hiệu quả tình huống không kiểm soát đường thở khó:
- Tất cả bệnh nhân phải được đánh giá cẩn thận về đường thở trước khi gây mê, kể cả những trường hợp dự kiến không đặt nội khí quản để xác định nguy cơ của đường thở khó có thể xảy ra.
- Một khi nghi ngờ bệnh nhân có đường thở khó thì phải thực hiện đúng quy trình xử lý đường thở khó.
- Sau khi đặt nội khí quản, phải kiểm tra vị trí ống nội khí quản bằng quan sát độ di động của lồng ngực, nghe thông khí hai phổi, dạ dày, độ bão hòa Oxy và CO2 cuối thì thở ra.
- Bệnh nhân phẫu thuật chương trình phải được nhịn ăn uống theo phác đồ cụ thể. Những bệnh nhân có nguy cơ hít sặc phải được sử dụng thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày trước khi phẫu thuật.
6. Phòng ngừa nguy cơ mất máu:
- Trước khi dẫn mê, người gây mê phải thăm khám đánh giá bệnh nhân, nếu nguy cơ có thể mất máu khối lượng lớn thì chuẩn bị sẵn sàng máu và các chế phẩm của máu.
- Khi có nguy cơ chảy máu trong mổ thì phải lập đường truyền tĩnh mạch lớn và chắc chắn.
7. Ngăn ngừa bỏ sót gạc và dụng cụ phẫu thuật.
- Phẫu thuật viên phải kiểm tra vùng mổ trước khi đóng bất kỳ các khoang hoặc vị trí phẫu thuật.
- Đếm đầy đủ trước và sau phẫu thuật các loại gạc, kim, vật sắc nhọn, dụng cụ và các vật tư khác có sử dụng trong phẫu thuật.
- Đếm gạc, dụng cụ xong phải ghi chép vào bảng theo dõi thông tin cuộc phẫu thuật treo tường tại phòng mổ và ghi chép vào hồ sơ đầy đủ về số lượng. Nhân viên thực hiện kiểm đếm phải báo cáo đầy đủ với phẫu thuật viên trước khi đóng vết mổ.
8. Phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng vết mổ:
- Kháng sinh dự phòng phải được chỉ định thường qui trong tất cả các phẫu thuật chương trình và cấp cứu.
- Tất cả các dụng cụ, trang thiết bị, vật tư y tế phải được khử khuẩn, tiệt khuẩn theo quy trình kiểm soát nhiểm khuẩn.
- Vùng phẫu thuật phải được sát khuẩn trước phẫu thuật bằng các chất sát khuẩn thích hợp theo qui định.
- Thực hiện rửa tay trước phẫu thuật, thủ thuật đúng theo quy trình rửa tay phẫu thuật.
- Bao phủ tóc, mang khẩu trang và đeo găng tay vô khuẩn phải được thực hiện trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Bệnh nhân phải được tắm rửa trước phẫu thuật theo qui định.
- Cạo lông không được khuyến cáo trừ khi nó làm ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật.
- Nhiễm khuẩn có trước phẫu thuật nên được điều trị khỏi hoàn toàn trước khi xếp lịch mổ chương trình.
- Băng vô trùng vết mổ được sử dụng ít nhất 24 - 48 giờ sau mổ.
- Định kỳ kíp phẫu thuật phải được đào tạo về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tronh khu phẫu thuật.
9. Đề phòng phản ứng dị ứng và phản ứng có hại của thuốc.
- Tất cả các trường hợp phẫu thuật phải được khai thác tiền sử dị ứng thuốc và các phản ứng quá mẫn trước khi dùng thuốc.
- Tất cả các thuốc khi sử dụng phải được dán nhãn vào ống tiêm để tránh nhầm lẫn và phải thực hiện 5 đúng trước khi dùng thuốc cho người bệnh.
- Khi tiêm thuốc phải có hộp thuốc chống shock bên cạnh.
- Chú ý các loại thuốc phóng thích ra histamine và các hóa chất trung gian khi sử dụng, vì rất dễ gây phản ứng phản vệ.
10. Nhận diện chính xác và an toàn mẫu bệnh phẩm:
- Mẫu bệnh phẩm phải được dán nhãn chính xác với tên, tuối, địa chỉ người bệnh; tên bệnh phẩm và vị trí lấy mẫu và bảo đảm không tràn đỗ.
11. Giảm thiểu những áp lực phát sinh trong khi gây mê, phẫu thuật:
- Để giảm bớt căng thẳng khi làm việc kéo dài liên tục, mệt mỏi, đói khác, mất ngủ thì biện pháp hữu hiệu nhất là xin được nghỉ thay phiên trong một thời gian ngắn, đặc biệt là khi sức khỏe không đảm bảo thì xin được thay thế.
- Trong gây mê, phẫu thuật nếu cảm thấy không an toàn cho người bệnh thì gọi người hỗ trợ hoặc hội chẩn với đồng nghiệp để tìm giải pháp thích hợp.
- Nhân viên nên di chuyển nhẹ nhàng, hạn chế tiếng động, nói nhỏ, đặc biệt khi có bất đồng ý kiến không nên căng thẳng giữa các cá nhân với nhau.
12. Giao tiếp và trao đổi thông tin quan trọng có hiệu quả:
- Trước khi rạch da, phẫu thuật viên nên trao đổi và chắc chắn rằng cả kíp đều nắm rõ các bước quan trọng trong cuộc mổ, nguy cơ mất máu, các trang thiết bị, dụng cụ đặc biệt và khả năng phát sinh những bất thường trong mổ.
- Điều dưỡng và gây mê phải báo cáo bất kỳ khó khăn nào trong mổ như thiếu thốn trang thiết bị, khó khăn trong hồi sức mất máu cũng như những nguy cơ về gây mê hồi sức cho tất cả các thành viên trong kíp phẫu thuật nắm rõ.
- Trước khi bệnh nhân rời phòng mổ, phẫu thuật viên nên thông báo với kíp phẫu thuật về bất kỳ thay đổi nào so với dự kiến ban đầu, những thay đổi có thể xảy ra ở giai đoạn hồi tỉnh và kế hoạch chăm sóc sau mổ bao gồm kháng sinh, phòng ngừa huyết khối, ăn uống và chăm sóc vết mổ…
- Người gây mê hồi sức phải khuyến cáo các vấn đề nguy cơ sự cố có thể xảy ra trong quá trình hồi tỉnh để có kế hoạch phòng ngừa và xử trí kịp thời cho người bệnh./.